Thời gian cứ trôi đi âm thầm và lặng lẽ, tháng 11 lại về. Với những ai làm nghề giáo thì tháng 11 lại càng có ý nghĩa hơn nữa, vì nó được ví như một nốt nhạc vui trong bản nhạc du dương của cuộc sống này. Tôi nghĩ thế, và miên man nghĩ ngợi về học trò mình, về đồng nghiệp mình khi đứng trên lan can tầng một của ngôi trường trong giờ trống tiết. Tôi hướng tầm mắt xa xa nhìn về phía chân trời, tự cho phép mình mộng mơ một chút, rồi tôi bâng quơ nhìn xuống con đường dốc dẫn lên các dãy phòng học, trong ánh nắng của buổi sớm mai ám áp, tôi lại bắt gặp dáng thầy với những bước đi thật chậm rãi và quen thuộc, những bước chân không vội vã ấy đã mang đến sự an tâm về kiến thức cho lũ học trò năng động trong từng tiết dạy cũng giống như sự an tâm của các đồng nghiệp của thầy khi được nói chuyện cùng thầy. Người thầy mà tôi muốn nói đến chính là thầy Võ Đình Hậu – thầy giáo dạy Vật Lí tại trường THCS & THPT Đống Đa.
37 năm trong sự nghiệp trồng người, một khoảng thời gian không ngắn cho bất kì một nhà giáo nào. Nói như thế để đủ hiểu được rằng thầy đã trải qua bao thăng trầm trong cuộc sống để trở thành một tấm gương sáng như ngày hôm nay cho đồng nghiệp và học sinh của trường noi theo. Từ tháng 11/1981, thầy bước chân vào nghề tại trường Xuân Thọ với nhiều bỡ ngỡ không thể tránh khỏi, nhưng bằng nghị lực của bản thân, và nhất là niềm tin yêu với nghề, thầy luôn phấn đấu, nỗ lực rèn luyện, trau dồi kiến thức và tích lũy kinh nghiệm, để mỗi khi đứng trên bục giảng có thể đem hết kiến thức truyền đạt cho các em học sinh. Cũng nhờ sự học hỏi, luôn tự trau dồi kiến thức nghề nghiệp cộng với tấm lòng tất cả vì học sinh thân yêu mà thầy đã thu được nhiều kết quả đáng trân trọng, bằng chứng là hầu như năm nào thầy cũng đều xây dựng được đội tuyển để bồi dưỡng học sinh giỏi cấp thành phố và cấp tỉnh đạt kết quả.
Thầy kể, được sinh ra gia đình đông anh em và lớn lên trong thời kì khó khăn của đất nước, thầy vẫn kiên trì học tập và quyết đi theo nghề giáo. Khó khăn nhất có lẽ là khoảng thời gian sau khi xây dựng gia đình, sự ra đời của các con cùng cách sinh hoạt thời bao cấp như xếp hàng mua lương thực thực phẩm bằng tem phiếu, cùng với muôn vàn khó khăn trong cuộc sống mà như thầy nói, chỉ những ai đã trải qua thì mới có thể hiểu nổi. Thế nhưng thầy chưa bao giờ có ý định bỏ nghề giáo của mình. Rồi thầy chuyển trường và về dạy tại trường THCS & THPT Đống Đa từ năm 1987, nhưng khó khăn cứ nối tiếp khó khăn, và thầy vượt qua nó cứ như là những bước chân cần phải bước tiếp vậy. Chỉ nghe kể thôi nhưng cũng đủ cho chúng tôi hiểu thầy đã đặt lòng tin cho nghề giáo nhiều như thế nào, vì chỉ có tin và yêu nghề thì mới giúp thầy trụ vững trước sóng gió của thử thách như thế, để có được thầy của ngày hôm nay cho thế hệ chúng tôi noi theo và mạnh dạn bước tiếp bước chân của mình trong nghề với những thử thách của xã hội đặt ra cho ngành giáo dục.
Những ai đã được tiếp xúc với thầy, được trò chuyện cùng thầy cũng đều cảm nhận được ở thầy sự ấm áp, chân thành. Trong công tác chuyên môn, thầy sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi, cùng chúng tôi thảo luận những tiết dạy để làm thế nào đạt hiệu quả cao nhất. Trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, thầy luôn lập kế hoạch và có biện pháp rèn luyện kiến thức cụ thể với từng đối tượng học sinh. Thầy từng nói, để chọn được đội tuyển bồi dưỡng đã khó, cái khó hơn là làm thế nào để các em hứng thú với bộ môn Vật Lí mà không “bỏ chạy” sang môn khác. Chúng tôi đã học từ thầy từng cái nhỏ nhặt nhất, từ nụ cười hiền hậu trước những khó khăn của cuộc sống, từ sự kiên trì nhẫn nại trong công việc đến sự khéo léo trong cách giao tiếp hàng ngày. Sự bình dị của thầy thật đáng để những nhà giáo trẻ tuổi như chúng tôi học theo.
Bạn biết đấy, đặc thù của bộ môn Vật Lí là sử dụng thí nghiệm để minh họa cho nội dung bài học một cách rõ ràng, đầy đủ và dễ hiểu nhất. Trong tổ bộ môn, thầy chính là cánh chim đầu đàn trong cách sử dụng đồ dùng dạy học một cách hiệu quả nhất. Thầy từng nói với chúng tôi rằng, đồ dùng thí nghiệm thì có đó, nhưng để dễ dàng ra được những số liệu phù hợp với nội dung bài học thì người giáo viên cần phải tiến hành làm thử thí nghiệm, xem những đồ dùng hiện tại có đã thực sự phù hợp chưa, và có tốn nhiều thời gian hơn một tiết học hay không, để từ đó có thể sử dụng những đồ dùng thay thế khác đơn giản mà hiệu quả hơn. Thậm chí bản thân của người giáo viên dạy ở bộ môn này là còn phải biết tự tạo ra những thí nghiệm đơn giản nhất, nhưng những thí nghiệm ấy có thể minh họa và khắc sâu kiến thức cho học sinh. Có như thế mới tạo được nhiều hứng thú học tập cho học sinh, đưa học sinh đến với thế giới của môn Vật Lí một cách nhẹ nhàng nhất. Lắng nghe thầy, để cảm nhận được sự đam mê với nghề trong thầy, mới tự thấy bản thân mình còn nhiều điều học hỏi phía trước, để biết khiêm nhường với với những điều ngỡ như là bình thường nhất.
Tôi có đọc một quyển sách viết rằng, thầy cô giáo là những người mang lại niềm cảm hứng, họ làm cho mỗi ngày tràn đầy sức sống với mục tiêu giáo dục cho cả trẻ em lẫn người đã trưởng thành theo cách mà không phải luôn tự bản thân đã có. Thầy chính là như vậy đấy, lớp lớp thế hệ học trò biết ơn thầy vì góc nhìn cuộc sống bằng kiến thức Vật Lí mà thầy mang đến trong từng tiết học. Thế hệ đồng nghiệp trẻ chúng tôi cũng đã được nhìn thấy một tấm gương về sự vượt khó trong cuộc sống, một người thầy truyền niềm tin và cảm hứng với nghề để chúng tôi vững bước với những thay đổi theo chiều hướng tích cực trong giáo dục - ngành mà xã hội đã đặt kì vọng rất cao. Ngày nhà giáo Việt Nam sắp đến, thế hệ trẻ chúng tôi xin biết ơn thầy về những bài học vô hình nhưng đầy ý nghĩa trong cuộc sống mà thầy đã mang đến, để rồi có đôi lúc trong đời, nếu một ai trong chúng ta lạc mất con đường chúng ta đã chọn cho mình, thì hãy nghĩ đến thầy, đến những bài học vô hình mà thầy mang đến, sẽ tìm thấy lí do để dừng lại và xem xét lại con đường hiện tại của chúng ta.
Xin được cảm ơn thầy vì tất cả.
thầy là người con luôn yêu quý và ngưỡng mộ 🌹🌺❤️