Nội dung giáo dục đạo đức tháng 9 - tình yêu thương
Thứ tư - 26/09/2018 21:18
Câu chuyện 1:
Vào những ngày xa xưa, khi thế giới mới khai sinh, voi chẳng hề là loài vật khôn ngoan và chu đáo như bây giờ. Nó là kẻ chuyên bắt nạt. Tất cả những loài vật khác đều khiếp sợ thân hình to quá khổ và đôi ngà khổng lồ sắc nhọn của nó. Một ngày nọ, voi đang đi xuyên rừng ra sông để uống nước buổi tối và tắm táp, bỗng nó gặp một con sóc rừng trên đường.
“Chào anh voi, chúc anh một ngày tốt lành!” Sóc nói một cách nhã nhặn. “Anh có khỏe không?”
Voi nhìn thấy con vật bé nhỏ, nhưng nó chẳng thèm dừng lại.
“Tránh ra!” Nó nói rồi dùng chiếc vòi của mình quét bay sóc khỏi lối đi. Sóc ngã lộn cổ trúng vào một bụi gai. Ối!
Nó nổi giận. “Này!” Nó hét lên. “Anh tưởng mình là ai mà cư xử như thế chứ?”
Voi dừng lại vẻ ngạc nhiên. “Ơ hay, ta là voi chứ ai! Loài cao nhất, mạnh nhất, hét to nhất và thông minh nhất trong tất cả các loài!” Nó nói.
Sóc quất đuôi. Bấy giờ nó đã thực sự giận dữ.
“Xác to chẳng làm anh vĩ đại hơn mọi người đâu!” Nó rít lên chin chít.
“Ta vĩ đại nhất!” Voi vừa nói vừa xòe rộng đôi tai. “Ta to đến nỗi ta có thể ăn hết cả khu rừng này! Còn ngươi làm được gì?”
“Tôi có thể ăn nhiều hơn anh!” Sóc hét lên.
“Đừng có bốc phét!” Voi nói. “Dĩ nhiên là ngươi không thể!”
“Tôi cược với anh tôi làm được đấy!” Sóc nói.
“Thật à?” Voi nói, miệng cười ha hả. “Vậy thì chúng ta cùng xem nhé!”
Cả hai đồng ý rằng ai ăn nhiều nhất trong một ngày sẽ thắng cược. Kẻ thua sẽ phải tôn trọng người thắng mãi mãi. Cho cuộc thi ăn, chúng chọn hạt cọ tươi, loại hạt đang rất sẵn vào thời điểm này trong năm. Cả hai vội vã gom hạt lại thành một đống to.
Khi mặt trời lên cao vào ngày hôm sau, đã có hai đống hạt cọ khổng lồ. Sóc và voi săm soi đống hạt của đối thủ để chắc chắn rằng chúng to bằng nhau. Voi đứng cạnh đống hạt của mình. Bụng nó sôi ùng ục vì nó chưa ăn gì từ ngày hôm trước.
Sóc ngồi trên đống hạt của mình. Nó cũng đang đói meo.
“Bắt đầu!” Nó hét lên.
Voi rất thích ăn hạt cọ. Nó bắt đầu ngấu nghiến càng nhanh càng tốt. Sau một lúc, nó ngước lên và thấy sóc vẫn đang bận nhấm nháp hạt đầu tiên.
“Ha, ta sẽ thắng rất dễ dàng!” Voi nghĩ và tiếp tục ăn.
Khi sóc mới chỉ ăn hết hai hạt cọ, bụng nó đã no như thể sắp vỡ tung ra. Nhưng nó đã thu xếp để tất cả người thân và bạn bè đến giúp. Họ đang ẩn nấp ở gần đấy. Khi voi nhìn xuống, sóc lẩn đi và một đứa em họ của nó vào thay thế. Em họ của sóc trông y như nó. Suốt cả ngày, mỗi khi một con sóc không thể ăn thêm được nữa …một con khác sẽ thế vào chỗ của nó trên đống hạt. Suốt cả ngày, mỗi khi voi nhìn lên, nó ngạc nhiên thấy sóc đang vui vẻ gặm hạt. Chẳng mấy chốc, voi đã không còn đói nữa. Nhưng vì muốn thắng, nó vẫn tiếp tục ăn. Nó ăn càng lúc càng chậm. Lũ sóc ăn càng lúc càng nhanh.
Đến khi trời tối, voi no đến nỗi bụng của nó lặc lè gần chạm đất. Nó không muốn nhìn thấy một hạt cọ nào nữa. Sóc đã khoan khoái ngủ cả ngày trong khi rất nhiều bạn bè và người thân của nó ngấu nghiến đống hạt. Bây giờ nó tỉnh dậy, sảng khoái và cồn cào thèm ăn bữa tối. Nó cảm ơn tất cả những con sóc đã giúp đỡ nó và lại trở về vị trí của mình trong bữa tiệc.
Sóc nhặt hạt cọ cuối cùng lên và cắn một miếng to. “Voi vĩ đại ơi!” Nó gọi. “Tôi sắp ăn hết rồi này. Còn anh?”
Voi đứng với chiếc vòi rũ xuống, hai bên bụng phình ra. Nó vẫn còn một đống hạt khá to, nhưng nó không thể nuốt thêm một hạt nào nữa. Nó no đến nỗi gần như chẳng cử động nổi. Nó ợ.
“Tôi phải thú nhận là tôi không thể ăn hết được!” Voi nói.
“À ha!” Sóc bảo. “Thế anh hãy cho tôi biết, ai là người ăn giỏi nhất?”
“Bạn, sóc ạ. Bạn đã chiến thắng.” Voi nói.
“À ha!” Sóc bảo. “Anh có nhớ thỏa thuận của chúng ta không?”
“Tất nhiên rồi.” Voi nói. “Loài voi chúng tôi chẳng bao giờ quên.”
“Bây giờ anh phải hứa tôn trọng tất cả những loài vật nhỏ hơn và yếu hơn anh. Mãi mãi và vĩnh viễn.” Sóc nói.
Lần đầu tiên trong đời, voi bị buộc phải cư xử một cách khiêm tốn. “Được rồi, tôi hứa.” Voi trả lời.
“Nhưng làm sao bạn ăn hết được đống hạt cọ ấy? Bạn bè hơn tôi rất nhiều cơ mà.”
Đến lượt sóc cười nghiêng ngả. Nó kể cho voi nghe mưu mẹo nó đã sử dụng. Nó gọi tất cả người thân và bạn bè ra khỏi chỗ trốn.
“Tất cả những gì tôi muốn làm là dạy cho anh một bài học, voi ạ.” Sóc nói. “Và bây giờ anh biết rằng rất nhiều thứ bé nhỏ đoàn kết lại có thể đánh bại một thứ to lớn. Anh cũng biết rằng thậm chí những loài vật bé nhỏ cũng có trí thông minh và đáng được tôn trọng. Xin đừng quên!”
Và đó là lí do tại sao bất cứ khi nào voi gặp sóc hoặc bất kì con vật bé nhỏ nào khác trên lối đi trong rừng, nó cư xử hết sức lễ phép. Nó dừng lại, xòe đôi tai ra chào, lùi bước và đi vòng.
Câu chuyện 2:
Ở một làng nọ có những người nông dân chuyên làm nghề trồng bắp. Có một bác nông dân nhờ biết áp dụng khoa học kĩ thuât nên cuối mùa đã thu được những trái bắp tốt. Trong khi đó những người nông dân trong làng, vì không nắm được kĩ thuật nên bắp bị sâu rầy mất mùa, đói kém. Và thế là bác nông dân kia một mình một chợ tha hồ giàu to. Thế nhưng đầu mùa sau người ta lại thấy bác nông dân kia đem những hạt giống tốt tặng những người hàng xóm và lại còn vui vẻ bày cho họ cách chăm sóc ruộng bắp của mình nữa. Ngạc nghiên trước việc làm của bác, một phóng viên đã hỏi bác: “sao ông lại cho láng giềng những hạt bắp giống tốt nhất của mình như vậy, trong khi họ cũng tham gia cạnh tranh với ông ?” “Ồ ! người nông dân trả lời, anh không biết rằng những luồng gió thổi những hạt phấn hoa từ những cây bắp này sang những cây bắp khác sao? nếu láng giềng tôi trồng toàn những cây bắp kém chất lượng thì sự thụ phấn có thể khiến những cây bắp của tôi cũng sản sinh ra những trái bắp kém chất lượng. Do đó nếu muốn có những trái bắp tươi tốt, tôi phải giúp những người hàng xóm tôi có những trái bắp tươi tốt. Lý do chỉ là đơn giản vậy thôi."
Việc làm và câu trả lời của bác nông dân gợi cho em suy nghĩ gì?
Trả lời: Các em thấy không chân lí thật là giản dị. Nhưng không phải ai cũng dễ dàng nhận ra. Và nhiều người lại cố tình không muốn nhận ra. Có người nhận ra rồi nhưng để thực hiện được nó không phải dễ dàng. Bởi chúng ta phải có bản lĩnh để chiến thắng được lòng nhỏ nhen, tính ích kỉ và những tị hiềm. Người nông dân trên đã nhận thức được sự liên hệ của cuộc sống. Những trái bắp của ông không thể lớn mạnh trừ khi những trái bắp của người láng giềng cũng lớn mạnh. Các khía cạnh khác trong cuộc sống cũng vậy. Những ai muốn có được sự hoà bình trước hết phải giúp người khác tìm được sự hoà bình. Những ai muốn có cuộc sống tốt đẹp phải giúp người khác tìm được cuộc sống tốt đẹp cho họ. Những ai muốn có hạnh phúc nên giúp đỡ người khác tìm được hạnh phúc. Nếu không muốn khổ đau thì đừng đem đau khổ cho người khác. Bởi cuộc sống của mỗi người gắn liền với tất cả mọi người.
Câu chuyện 3:
EM QUÝ VỚI THẦY GIÁO
Quý vừa cho lợn ăn xong thì nghe tiếng thầy giáo và bố ở ngoài ngõ. Em vội rửa chân tay, sửa lại quần áo cho chỉnh tề, rồi chạy ra đón
- Em chào thầy ạ! Con chào bố!
- Chào em!
Thầy giáo vui vẻ chào lại Quý. Bố gật đầu rồi cùng thầy giáo đi lên nhà. Quý vội vào lau bàn ghế rồi ra chum nước rửa ấm chén. Rửa xong, em pha một ấm tra nóng để vào khay bưng đến bàn. Bố Quý rót nước và tiếp chuyện thầy giáo Quý ngồi ở phản bên canh:
Chợt thầy giáo quay sang nói với Quý :
- Em về nhà chăm học, lại biết giúp đỡ cha mẹ, như vậy là ngoan, thầy rất khen! Em hãy cố gắng nữa lên nhé!
Quý đứng dậy đáp:
- Thưa thầy... vâng ạ!
Thầy giáo ra về. Bố Quý và Quý tiễn thầy ra tận ngõ.
Bài Học :
Để tỏ lòng kính trọng và biết ơn thầy cô giáo đã không quản ngại dạy dỗ, em phải:
- Lễ phép chào hỏi thầy,cô giáo mỗi khi gặp mặt,chia tay.
- Nói năng với thầy,cô giáo phải thưa gửi, vâng dạ
- Phải dùng hai tay khi đưa hoặc nhận vật gì từ tay thầy cô giáo.