Nguyễn Thị Tâm Châu - Lớp 11A2 - Trường THCS & THPT ĐỐNG ĐA
CẢM NHẬN VỀ SÁCH “NHỊ THẬP TỨ HIẾU”
Nguyên tác : Quách Cư Nghiệp
Dịch giả : Lý Văn Phức
Ân cha nghĩa mẹ nào quên
Lòng mong được thuở báo đền công lao
Bao la biển rộng trời cao
Con khờ trọn kiếp làm sao cho tròn ?
(Thơ Ngũ Hành Sơn)
Tình thương yêu của cha mẹ đối với con cái là vô bờ bến, công dưỡng dục sinh thành không thể đo đếm hết được. Vì vậy, yêu thương, kính trọng, phụng dưỡng cha mẹ là bổn phận ở đạo làm con, là giá trị của đạo làm người. Chữ Hiếu được đặt lên hàng đầu về lẽ sống của con người !

Từ xưa đến nay, những tấm gương hiếu thảo luôn được ca ngợi qua rất nhiều tác phẩm của văn học, trong đó “Nhị thập tứ hiếu” là một trong những cuốn sách được lưu truyền sâu rộng về hai mươi bốn gương hiếu hạnh nhằm để soi sáng con người trên bước đường tu dưỡng đạo đức làm người.
“Nhị thập tứ hiếu” là một tác phẩmTrung Hoa do Quách Cư Nghiệp vào thời Nguyên biên soạn kể về 24 tấm gương hiếu đạo đời xưa. Sau này có ông Lý Văn Phức làm quan dưới triều Nguyễn - Việt Nam đã tìm dịch “Nhị thập tứ hiếu” ra quốc văn theo thể thơ song thất lục bát để truyền bá răn dạy người đời.
Chữ hiếu từ ngàn xưa vốn là nền tảng nhân cách của con người, là cơ sở đạo đức của xã hội. Nho giáo có câu “ Thiên địa tứ thời, xuân tại thủ. Nhơn sanh bách hạnh, hiếu vi tiên”. Trời đất có bốn mùa, mở đầu là mùa xuân. Người đời có trăm tánh tốt, hiếu hạnh là trước nhất. Thử hỏi vì sao chữ hiếu phải đứng trên hết ? Chính vì hiếu, chúng ta biết kính trọng, yêu thương cha mẹ, rồi từ đó nuôi dưỡng tình yêu thương anh chị em, xóm làng, thương đồng bào, thương tất cả muôn loài. Nói cách khác, từ hiếu hạnh sẽ sinh lòng Nhân, từ lòng Nhân sẽ sinh lòng Bác ái… Mỗi con người hiếu hạnh là cội nguồn để sinh ra muôn vàn đức tính tốt đẹp khác. Thế nên, người xưa có câu “Có hiếu là có tất cả, bất hiếu là mất tất cả” : mất nhân, mất nghĩa, mất lòng từ bi, bác ái…Và báo hiếu cha mẹ chính là bài học vỡ lòng cho mọi sự tri ân…Tinh thần ấy được truyền đạt một cách tinh tế qua từng câu chuyện trong “Nhị thập tứ hiếu”.
Xin được nhắc đến một vài tấm gương tiêu biểu trong “Nhị thập tứ hiếu” để chúng ta cùng chiêm nghiệm: Như vị vua Hán Văn Đế, dù lo trăm việc nước nhà, ông vẫn luôn đặt chữ hiếu lên hàng đầu, hằng ngày dù bận rộn ông vẫn giữ lễ nghi vào cung vấn an mẹ, túc trực bên giường khi ốm đau, đích thân thử thuốc men…Vị vua ấy sau này luôn được người dân kính phục, ca tụng, là tấm gương lớn của nhà Hán bấy giờ.
Nói về công lao mẹ cha, không từ ngữ nào có thể tả xiết. Nó được tính từng giây, từng phút, nó bao la, vĩ đại như núi sông, nhưng ấm áp, nồng nàn như ánh thái dương.
Như bài ca dao vỡ lòng mà ai ai đều thuộc :
Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển đông
Núi cao biển rộng mênh mông
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!
Cha mẹ một đời chịu thương chịu khó để nuôi dưỡng chăm chút con cái từ khi nằm trong bào thai đến khi khôn lớn trưởng thành. Dường như thời gian lo lắng cho con cái hầu như là vô cùng vô tận, cho đến khi cha mẹ nhắm mắt lìa đời. Đạo Nho có nói “Cửu tự cù lao” chính để nói lên cái tình cao khiết ấy, là chín nỗi nhọc nhằn mà cha mẹ đã dày công lo lắng : Sinh, Cúc, Phủ, Xúc, Trưởng, Dục, Cố, Phục, Phúc (nghĩa là: công mang nặng đẻ đau; nâng đỡ; vuốt ve, che chở; cho bú mớm; nuôi dưỡng đến trưởng thành; dạy dỗ; trông nom; chăm sóc; bảo vệ). Được cha mẹ yêu thương, chăm sóc, một việc rất hiển nhiên. Nó hiển nhiên đến mức đôi lúc người ta vô thức lãng quên nó. Thời gian trôi qua, đến một ngày cơ hội báo hiếu, tri ân người thân sinh mình không còn nữa thì ta mới giật mình hối hận. Bởi lẽ đó, cho nên “Nhị thập tứ hiếu” muốn nhắn nhủ con người hãy hết lòng tôn kính cha mẹ khi còn sống trên cõi đời này. Những tấm gương lần lượt được kể một cách ngắn gọn súc tích nhưng tràn đầy cảm xúc và trân trọng, tôn vinh.
Nổi bật như Sưu Kiềm Lâu - một vị quan nước Tề rất thanh liêm và hiếu thảo với cha mẹ. Một lần biết tin cha đổ bệnh, ông tức tốc trở về quê nhà, được thầy thuốc chỉ cách nhận biết bệnh tình: “Nếu phân đắng thì chữa được, phân ngọt thì khó mà qua khỏi” - Sưu Kiềm Lâu lập tức nếm phân cha thì nhận ra có vị ngọt, thấy nguy, ông ngày đêm khấn vái, cầu xin cha qua khỏi.
Sau có bài thơ về ông:
Tới huyện nha chửa bao lâu,
Xuân đường thoát bị bệnh đau ở nhà.
Khấn trời xin chết thay cha
Nếm phân thấy ngọt biết là bệnh nguy.
Trong cuộc sống thường nhật, hiếu hạnh luôn cần được duy trì và phát huy. Đôi lúc, đạo làm con là từ những điều nhỏ nhất, chẳng cần thật hoa mĩ, vĩ đại. Một cái ôm nhẹ nhàng, một lời hỏi thăm chân thành và nồng ấm cũng đủ làm bản thân ta và cha mẹ cảm thấy ấm nồng hạnh phúc.Một ly nước mát dâng lên ba mẹ mỗi khi ba mẹ đi làm về, làm xoa dịu cơn nóng của khí trời, làm dịu êm, xóa tan những bộn bề của cuộc sống mưu sinh thường nhật. Hay có thể vào bếp nấu cho ba mẹ những bữa ăn, tuy cơm rau đạm bạc nhưng chất chưa cả tình yêu thương của những đứa con biết nghĩ về cha mẹ, biết vì Người mà san sẻ yêu thương. Đôi khi, dành một ít thời gian của mình ngồi bên cha mẹ, tâm sự, lắng nghe những mong ước, những hoài bão, những ước nguyện chưa thành và cả những hi vọng mà đấng sinh thành đặt niềm tin vào thế hệ tương lai chúng ta, từ đó ta có mục tiêu, động lực học tập, rèn luyện phấn đấu hoàn thiện bản thân để sau này vững bước vào đời để làm rạng danh tổ tiên, ấm lòng cha mẹ.
Như Dương Hương - cậu bé sinh vào thời Tấn rất chăm chỉ học hành nhưng không bao giờ xao lãng bổn phận làm con, cậu quan tâm cha mẹ cũng từ những việc làm đơn giản, nhỏ bé nhất như lo chăn màn, bưng bê cơm nước, quạt mát…Ở một số phiên bản “Nhị thập tứ hiếu” - hình ảnh Dương Hương cõng người cha già trên vai vượt qua những con lạch gập ghềnh đã được vẽ nên sống động lấy làm bìa sách.
Hay cậu bé Hoàng Hương, mẹ mất sớm, mới lên chín, bao nhiêu tình cảm cậu dành cho người cha, luôn răn mình giữ trọn đạo, không để người buồn. Mỗi ngày, cậu chuẩn bị nước để cha lau mặt sau chuyến đi xa, bắt chước mẹ may vá, không để áo quần cha rách rưới. Mùa đông, Hoàng Hương chui vào mền ủ ấm trước khi cha cậu đi ngủ. Mùa hè thì theo bên quạt mát cho cha, đến tối cậu quạt cả mùng mền chiếu gối để cha ngủ được dễ chịu.
Đông thì ủ ấm chiếu chăn,
Hè thì quạt mát mọi phần nồng oi,
Trẻ thơ đã biết hiếu rồi,
Nghìn thu chỉ có một người không hai.
Những tấm gương hiếu đạo như những ánh hào quang trên bầu trời sáng soi đạo lý ngàn đời về lẽ sống ! Dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay vẫn luôn đề cao vai trò của chữ hiếu, những tấm gương tiêu biểu như ngài Chữ Đồng Tử, Đức Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh…đã hun đúc nên nghĩa tình triết lý nhân sinh về đạo làm con vuông tròn hiếu nghĩa. Như vua Tự Đức dù bận việc nước nhà nhưng không quên mỗi ngày ít nhất hai lần, thăm viếng, hỏi han và phụng hầu cho mẹ.
Kế thừa truyền thống quý báu đó, hiện nay, đã không ít những người con không ngại khó khăn, vất vả chăm sóc mẹ cha, kiên trì học hành để thành đạt công danh đem lại niềm vui cho đấng sinh thành đã bao tháng ngày gánh chịu những gian truân khó nhọc.
Nhưng, vẫn còn đó những người con còn ham chơi, lười biếng trong học tập, thiếu ý chí phấn đấu, suy đồi, xuống cấp về đạo đức và nhân phẩm, làm cho cha mẹ đau lòng.Đó là những cá nhân chưa hiểu sâu sắc về trách nhiệm của đạo làm con, có lối sống ích kỉ. Những người con như thế liệu có một phút lắng lòng lại để nghĩ về mẹ cha - những người đang mòn mỏi cầu mong cho con mình luôn được bình an, hạnh phúc.
Tuy nhiên ánh sáng của Mặt trời sẽ xóa tan màn đêm đen tối, hi vọng rằng, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, tất cả những người con trên đất nước Việt Nam nói chung và lớp học sinh - sinh viên nói riêng mãi thấm nhuần truyền thống đạo lí của dân tộc, không ngừng học tập, rèn luyện để thành đạt nhằm đền đáp công ơn mẹ cha trong biển trời muôn một.
Tóm lại, chữ hiếu chính là nền tảng nhân cách, là gốc của đạo làm người . “Nhị thập tứ hiếu” tuy chỉ là những mẩu chuyện nhỏ nhưng chất chứa nhiều giá trị khiến người đọc phải suy ngẫm, khơi nguồn cho lí tưởng sống cao đẹp, hướng con người đến giá trị chân - thiện - mĩ của muôn đời./.