Nhân kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Chủ Tịch Hồ Chí Minh (19/05/1890- 19/05/2021), nhớ đến Người chúng ta lại biết ơn Người về di sản tư tưởng vô giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta, cho thế hệ hôm nay và mai sau. Rất nhiều bài học tư tưởng, đạo đức của Bác mang giá trị lý luận và thực tiễn to lớn. Theo các nhà nghiên cứu về Bác cho rằng, đạo đức Hồ Chí Minh là một bộ phận lớn trong triết lý sống và làm việc của Người, tư tưởng của Bác bắt nguồn từ truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam; là sự vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng đạo đức cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin; là sự tiếp thu có chọn lọc và phát triển những tinh hoa văn hóa, đạo đức của nhân loại, cả phương Đông và phương Tây. Nếu như xưa cha ông ta nói đến đạo đức phong kiến; M.Gandhi nói đến đạo đức giống nòi; K.Marx, F.Engel, V.I.Lenin nói đến đạo đức cộng sản, thì suốt cuộc đời hoạt động Bác hầu như chỉ nói đến đạo đức cách mạng. Bác quan niệm đạo đức cộng sản là cái còn xa vời, nhưng đạo đức cách mạng thì nó biểu hiện ngay trước mắt, thông qua hành vi của con người trong đời sống và công việc hằng ngày. Trong bài viết “Thế nào là Cần” dưới bút danh Lê Quốc Thắng, đăng trên báo Cứu Quốc, số 1255, ra ngày 30-05 -1949, Bác đã đề cao việc rèn luyện và tu dưỡng đạo đức cho cán bộ, Đảng viên bằng câu nói như sau:
“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc
Người có bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính
Thiếu một mùa, thì không thành trời
Thiếu một phương, thì không thành đất
Thiếu một đức, thì không thành người.”
Rõ ràng rằng, cần , kiệm, liêm, chính là bốn đức tính cần thiết phải có của mỗi người, nhất là cán bộ, Đảng viên. Bốn đức tính này cũng như quy luật của tự nhiên, song hành cùng nhau, bổ sung cho nhau. Nếu thiếu một trong bốn đức tính thì người cán bộ, Đảng viên ấy khó mà có đủ đức, đủ tài, đủ kiên trung vượt qua mọi cám dỗ, khó khăn để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Vận dụng câu nói của người vào trong thực tiễn ngành giáo dục, cụ thể ở trường THCS&THPT Đống Đa, Cán bộ, giáo viên, nhân viên nhất là Đảng viên cần hiểu và làm theo như thế nào cho đúng?
“ Cần” ( hay cần cù) hiểu theo nghĩa thông thường là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng. Một người giáo viên có đức tính cần cù luôn chăm chỉ học hỏi để nâng cao tay nghề, năng lực chuyên môn. Việc học hỏi, cũng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, là việc chúng ta có thể theo đuổi cả đời người. Để đổi mới phương pháp giảng dạy, truyền tải bài học hấp dẫn, giáo viên phải tự học, tự nghiên cứu qua sách báo, internet, tham gia các khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ trực tiếp hoặc online ; Ngoài ra, giáo viên có thể học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp thông qua các tiết dự giờ, thăm lớp. Không những vậy, việc giáo dục đạo đức học sinh của giáo viên bô môn, nhất là giáo viên chủ nhiệm, cũng cần lắm nhiều công sức, sự nhẫn nại, kiên trì và sáng tạo không kém.
“ Kiệm” là "tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. Tuy nhiên tiết kiệm không có nghĩa là keo kiệt, bủn xỉn. Như chúng ta biết, giáo dục là quốc sách hàng đầu, nếu đầu tư cho giáo dục mà quá tiết kiệm, cân đo đong đếm thì không thể có hiệu quả. Việc đầu tư cho cơ sở vật chất, các trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học là rất cần thiết. Bác nói “Khi có việc đáng làm, việc lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là kiệm”. Trong trường học, việc giáo dục đức tính tiết kiệm cho học sinh cũng cần được chú trọng thông qua việc bảo quản cơ sở vật chất, tận dụng hiệu quả các trang thiết bị, đồ dùng dạy học, tiết kiệm điện, nước…
“ Liêm” là trong sạch. Người có đức tính “ liêm” là người có tâm trong sáng, không vụ lợi. Người cán bộ, giáo viên có tâm trong sáng là khi biết phân công công việc cho đồng nghiệp, học sinh đúng người, đúng việc; đánh giá năng lực của đồng nghiệp, đạo đức của học sinh một cách khách quan, công tâm; không đố kỵ với đồng nghiệp, không trù dập học sinh.
“Chính” được hiểu là chính trực, thẳng thắn, trung thực. Theo lẽ thường, lời góp ý thẳng thắn hay làm phật lòng người nghe. Tuy nhiên, với tâm trong sáng và chân thành, những lới góp ý của chúng ta sẽ giúp đồng nghiệp tiến bộ. Lấy ví dụ, thao giảng, dạy tốt, thi giáo viên dạy giỏi là các hoạt động thường niên trong nhà trường. Giáo viên tham gia các hoạt động này không chỉ nhằm chứng tỏ năng lực của mình mà còn tạo điều kiện cho đồng nghiệp có cơ hội học hỏi kinh nghiệm. Vì thế, việc góp ý, rút kinh nghiệm sau tiết dạy là hoạt động thiết thực nhằm giúp người dạy thấy được hạn chế trong tiết dạy của mình, người dự giờ lại học hỏi được những phương pháp, kỹ thuật dạy học mới. Việc góp ý nên chân thành, cởi mở, thắng thắn để cùng nhau tiến bộ chứ không nhằm mục đích bắt lỗi đồng nghiệp. Bên cạnh đó, chữ “chính” nên được giáo viên vận dụng tốt trong việc đánh giá học sinh, đó là cho điểm thật, đánh giá thật; không vì cả nể một mối quan hệ nào đó mà ưu tiên hoặc vì thành kiến với học sinh mà đánh giá sai lệch kết quả, gây bất lợi cho học sinh.
Vận dụng tốt cần, kiệm, liêm, chính thì chúng ta sẽ góp phần cũng cố lòng tin của nhân dân, của cha mẹ học sinh. Vận dụng tốt tư tưởng của Bác vào trong đời sống thực tiễn là chúng ta góp phần hiện thực hóa Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”
Trên đây là phần trình bày của đảng viên trong buổi sinh hoạt định kì của chi bộ về Học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh.