GIỚI THIỆU SÁCH VỀ THẦY CÔ NHÂN NGÀY 20-11
Thứ ba - 13/11/2018 08:11
Thầy cô giáo chắc chắn là không phải người nào quá xa lạ trong cuộc sống của chúng ta, họ chính là những người dẫn đường, người lái đò đáng quý đã giúp biết bao thế hệ học sinh cập sang bến bờ thành công. Và giờ đây, sau khi rời xa mái trường rồi trưởng thành trên đường đời thì những người học sinh thuở nào bắt đầu nhớ vể kỉ niệm xưa, viết nên những lá thư tâm sự mang nặng tình cảm chân thành, lòng biết ơn sâu sắc hay đơn giản là nỗi hối hận muộn màng để gửi về cho người thầy, cô năm xưa. Hiểu được sự chân thành đó, nhà xuất bản Kim Đồng đã tập hợp những lá thứ đó lại và in thành quyển sách “Nhớ kỉ niệm năm xưa” nhằm chia sẻ, tôn vinh, cảm ơn công ơn lớn lao của những thầy cô nhân ngày hiến chương nhà giáo Việt Nam 20/11.
Mở đầu quyển sách là lá thư của Abraham Lincoln, vị tổng thống thứ 16 của Hoa Kì gửi cho người hiệu trưởng của ngôi trường con trai ông theo học. Mặc dù bản thân vốn là người đứng đầu một trong những quốc gia quyền lực và phát triển nhất thế giới lúc bấy giờ nhưng ngôn từ ông sử dụng rất nhẹ nhàng và đầy kính trọng. Hơn nữa vào cuối bức thư ông còn cho thấy sự đồng cảm lẫn lòng biết ơn sâu sắc dưới cương vị một người cha chứ không phải một vị tổng thống.
“…Xin hãy giúp cháu nhìn thấy thế giới kỳ diệu của sách nhưng cũng cho cháu đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thưở của cuộc sống: đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong lượn trong ánh nắng và những bông hoa nở ngát bên đồi xanh…”
Có lẽ tất cả mọi người trong số chúng ta đều đã từng thấy hoặc ít nhất là nghe về tình huống cha mẹ yêu thương con cái quá mức, không cho con được đụng tay đụng chân vào điều gì ngoài việc học ra. Nghe thoáng qua thì có vẻ thật sung sướng nhưng thực tế hoàn toàn khác, bởi sự đùm bọc thái quá đó mà những đứa trẻ đang còn trong tuôi ăn tuổi lớn sẽ trở nên thờ ơ, không hứng thú hay có ước mơ nào, chỉ biết sống một cuộc đời vô vị. Đấy chính là hoàn cảnh của Nguyễn Hải Yến, người viết lá thư thứ 17 trên tổng sô 33 lá được tổng hợp. Như đã nói trên, Yến là một trong những người bị cha mẹ đùm bọc và kiểm soát quá mức, cả cuộc sống của cô chỉ vọn vẹn trong ba từ “ăn và học” đầy tẻ nhạt. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi khi Yến gặp được người giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của mình, với tấm lòng yêu thương của cô ấy, Yến đã lần đầu tiên hiểu được cảm giác tự do và được tin tưởng là thế nào. Nhờ đó mà cô cuối cùng cũng có can đảm để vượt ra khỏi sự đùm bọc của cha mẹ và tiến bước vào con đường đời đầy thử thách của chính mình.
“…Với em giờ đây cuộc sống không còn là những ngày u ám mà là những ngày có sắc vàng của nắng, sắc xanh của bầu trời, của cây cỏ, màu đỏ của mái nhà của những bông hoa… Em đã biết mở lòng mình với cuộc sống và nhận ra cuộc sống còn rất nhiều điều đẹp đẽ… Chẳng qua vì người ta đã không biết trân trọng nó, đã lãng quên nó trong nhịp sống ồn ào đầy vội vã này…"
Ở những trang cuối cùng quyển sách là lá thư của Đinh Thị Thu Ngà gửi về cho những giáo viên cũ 20 năm trước của mình. Lá thư kể lại những kỉ niệm khi cô mới vừa bước chân vào ngôi trường cấp 3 cùng biết bao bỡ ngỡ, khó khăn và thiếu thốn. Nhưng thật may mắn là cô đã được thầy chủ nhiệm Huấn với thầy hiệu trưởng Ngô giúp đỡ hết sức mình, từ quyển sách, quyển vở, cây bút cho đến những lời khuyên nhủ, nhắc nhở nhằm giúp cô vượt qua những khó khăn, thiếu thốn. Chình vì lẽ đó, Ngà đã trở nên vô cùng kính trọng hai người và quyết tâm học hành chăm chỉ để trả ơn. Nhưng thật không may là điều đó không bao giờ có thể xảy ra vì vào cuối năm đó thì người thầy chủ nhiệm mà cô một mực kính trọng đã rời đi không một lời từ biệt với lý do chuyển công tác sau khi xuất hiện mâu thuẫn với cấp trên, không lâu sau thì thầy Ngô cũng ra đi. Chính vì lý do này, việc học của Ngà bắt đầu sa sút cũng như xuất hiện sự thiếu tôn trọng đối với những giáo viên khác, đỉnh điểm là việc cô viết một bài thơ “thiếu thiện cảm” khiến nhiều người cảm thấy bức xúc ở cuối năm 12 của mình. Dựa theo qui định thì đáng lẽ ra Ngà sẽ bị đình chỉ thi tốt nghiệp nhưng may mắn thay cô đã nhận được sự tha thứ từ những người cô vô ý xúc phạm. Bởi vì thế, Ngà cuối cùng cũng đã nhận ra sai lầm của bản thân và nhanh chóng thay đổi. Bất ngờ hơn nữa, sau khi tốt nghiệp thì cô đã đăng ký vào một ngôi trường cao đẳng Sư Phạm như một lời tri ân đến các thầy cô cũ, những người đã dìu dắt cô trong suốt ba năm học phổ thông.
“Và giờ đây em đang bước trên con đường mà thầy cô đã đi qua. Trong cuộc đời làm nghề giáo, hình ảnh của mọi người là ngọn đuốc soi sáng, dẫn lối cho em đi. Đã có lúc thực trạng trong ngành giáo dục làm em thấy chán chường , thất vọng, Nhưng rồi em lại mỉm cười vì em hiểu rằng cái tốt và cái xấu luôn ở quanh ta. Có thể cách sống chân thật quá sẽ đem lại thiệt thòi cho bản thân nhưng lại mang đến điều tốt đẹp cho xã hội. Em chẳng làm được gì to tát lắm nhưng em luôn tâm nguyện với nghề: Hãy thắp sáng ước mơ của các em bằng những gì mình có thể. Đó chính là kiến thức, tình yêu thương và sự bao dung – những điều em đã học được ở những người thầy đáng kính.”
Nói tóm lại, thầy cô là những người cực kỳ quan trọng trong cuộc sống của mỗi người chúng ta. Với tấm lòng yêu thương vô bờ bến, họ chính là ngôi sao sáng dẫn đường, là bể rộng sông dài, là cánh chim không mỏi, là ngọn lửa ấm lòng trong đêm giá lạnh, là bờ vai tựa, là cánh tay vững chãi dìu dắt bao thế hệ đi đến bến bờ thành công. Không cần biết bạn là ai, người thế nào, sự nghiệp ra sao… Nếu được thì xin bạn hãy giành ra vài phút đọc quyển sách này để cảm nhận sự hi sinh thầm lặng của người giáo viên, để tin tưởng vào một tương lai sáng lạn của nền giáo dục nước nhà và rồi sau đó hãy gửi lời cảm ơn chân thành nhất, sâu sắc nhất có thể đến các thầy cô mà bạn đã hoặc đang theo học, những người lái đò mà bạn không thể nào trả hết ơn nghĩa được.
Đà Lạt, ngày 12 tháng 11 năm 2018
Tác giả bài viết: Hồ Đắc Bảo Duy – 12A5