MỘT SỐ BIỆN PHÁP NHẰM NÂNG CAO KẾT QUẢ BỘ MÔN SINH HỌC TRONG KÌ THI THPT QG
Thứ tư - 26/09/2018 15:35
MỘT SỐ BIỆN PHÁP NHẰM NÂNG CAO KẾT QUẢ BỘ MÔN SINH HỌC TRONG KÌ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA
Nhằm giúp học sinh thay đổi nhận thức, thái độ, phương pháp học tập, đáp ứng tinh thần đổi mới toàn diện, từ đó cải thiện kết quả bộ môn Sinh học. Sau đây là một số biệp pháp cần thực hiện:
Thứ nhất:
- Tinh giản kiến thức, xác định đúng kiến thức trọng tâm, bám sát yêu cầu về chuẩn kiến thức - kĩ năng của bài dạy; cần coi trọng tính vững chắc của kiến thức và kĩ năng bằng cách sau mỗi bài cần chốt ngắn gọn các kiến thức dưới dạng sơ đồ hóa (trong các tiết học thêm tại trường) theo phương châm “vừa đủ, chắc chắn”; lưu ý những phần kiến thức hay nhầm lẫn bằng những chú thích vui hay dùng bút dạ quang.
- Thay đổi cách thức kiểm tra bài cũ: thay việc chỉ kiểm tra 2- 3 học sinh bằng việc kiểm tra cả lớp bằng nhiều cách như: dùng những câu hỏi: có nội dung trả lời ngắn và nhanh, điền khuyết, đúng – sai… Nhờ vậy tạo được chuỗi thói quen ôn tập, nắm chắc kiến thức cơ bản và biết vận dụng kiến thức hiệu quả nhằm kích cầu động cơ học tập của học sinh. Nhờ đó, học sinh mới có đủ lực để đáp ứng yêu cầu phân hóa của đề thi.
- Hướng dẫn cách học ở nhà thông qua “từ khóa” để dễ nhớ, nhớ nhanh hoặc ghép chung các đối tượng lại với nhau theo cách lược hóa chúng.
Thứ hai: Dạy nâng cao, lồng ghép bài tập tự luận tương ứng; chú ý hệ thống bài tập phù hợp với đối tượng học sinh, không sa đà vào bài tập khó làm học sinh chán nản, “sợ” bộ môn, gây nhiều áp lực cho học sinh trước kỳ thi. Trong vài năm gần đây, đề thi có sự phân hóa khá rõ, khá nhiều học sinh có lực học khá, giỏi chỉ tập trung vào học những phần kiến thức khó để lấy điểm 9, điểm 10 nhưng thật sai lầm vì chỉ cần quên kiến thức cơ bản các em đã bị mất điểm, nguyên nhân chính là do một số em say những bài tập, dạng đề khó; chủ quan với những kiến thức cơ bản mà thầy cô ôn tập trên lớp và chê dễ. Cho nên trong các tiết dạy giáo viên cần có động thái giúp các em hiểu ra rằng: Dồn nhiều công sức vào những phần bài tập khó, trong khi đó lý thuyết dễ thì sai; đặc biệt, câu nào cũng 0,25 điểm, khó cũng như dễ; qua lời khuyên như vậy chúng ta nghĩ các em chọn nắm chắc phần nào trước bài tập hay lý thuyết? Những phần khó hay phần dễ?
Thứ ba: Bên cạnh việc soạn giảng thì hoạt động kiểm tra, đánh giá phải luôn đi kèm do vậy cần thiết phải có bộ đề thi thử với tính phân hóa rõ nét để học sinh trải nghiệm ở từng mức độ khác nhau; đề phải được xây dựng, chuẩn hóa; bổ sung cập nhật hằng năm và phải bám sát cấu trúc của Bộ giáo dục. Khi bắt đầu luyện đề, không cứ giải được nhiều đề trên lớp mới hiệu quả mà điều quan trọng ở đây là giáo viên cần phải sửa thật kĩ từng câu trong đề, yêu cầu học sinh chỉ ra được “từ khóa” trọng tâm của câu dẫn là gì; nhấn mạnh phần đúng, sai; vì sao đúng, sai. Qua việc kiểm tra và đánh giá giúp giáo viên nắm được khả năng tiếp thu bài, phân loại trình độ của học sinh; từ đó có kế hoạch cụ thể: điều chỉnh phương pháp và gia cố thủ thuật giảng dạy phù hợp với khả năng, trình độ của học sinh và yêu cầu, đặc thù của đề kiểm tra và đề thi (định hướng cho các em tự ôn tập lại hoặc có kế hoạch ôn tập, củng cố lại kiến thức). Hơn nữa, kiểm tra và tự luyện đề còn giúp học sinh quen với việc phân phối thời gian làm bài hợp lí để khi thi chính thức không bị ảnh hưởng bởi áp lực thời gian. Thông qua việc sửa bài cần trang bị cho các em phương pháp và kinh nghiệm làm bài thi trắc nghiệm sao cho hiệu quả. Ví dụ: Đọc kĩ nội dung câu hỏi, dùng bút chì gạch chân từ quan trọng; nắm kĩ thuật đọc lướt tìm từ khóa trong câu trắc nghiệm để có đáp án nhanh nhất, một số dạng câu hỏi không nhất thiết học sinh phải đọc hết các từ trong câu hỏi; đặc biệt chú ý đến các từ có ý phủ định trong phần dẫn như “không”, “không đúng”, “sai”. (Lưu ý để quá trình này đem lại hiệu quả giáo viên cần phải kích cầu lòng tự tôn đúng mức, khai thác bản lĩnh sức trẻ… sao cho các em thể hiện được sự nỗ lực, cố gắng vì một số học sinh có tư tưởng bài làm không lấy điểm nên chỉ dành khoảng 10 - 15 phút tô cho xong). Để hoạt động kiểm tra, đánh giá đạt kết quả thật sự giáo viên thường xuyên ra bài tự luyện dạng trắc nghiệm cho học sinh tự giải ở nhà thông qua tài liệu ôn tập theo bài, theo chủ đề. Tài liệu ôn tập cần hệ thống kiến thức: đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp dựa trên chuẩn kiến thức, cần giúp học sinh nắm được kiến thức cơ bản, trọng tâm. Những lưu ý khi giao bài tự luyện về nhà cho học sinh:
- Phân loại những câu dành cho tất cả học sinh trong lớp; những câu chỉ dành học sinh khá, giỏi.
- Yêu cầu học sinh phải gạch chân từ trọng tâm phần dẫn; giải thích vì sao ý đó có nội dung sai, sai ở đâu và yêu cầu sửa lại cho đúng tránh việc làm “bừa”, “đối phó” cho xong;…
- Không giao quá nhiều bài về nhà vì sẽ tạo áp lực bộ môn với các em.
Dựa vào kết quả kiểm tra cần tuyên dương những học sinh tiến bộ; khích lệ tinh thần đối với những học sinh tiến bộ vượt bậc; gieo tinh thần lạc quan, tự tin vào bản thân cho các em. Song cũng đặc biệt phê bình kịp thời đối với những học sinh chậm tiến, có biểu hiện sa sút, ý thức học chưa tốt và chưa thật sự cố gắng. Xử lí nghiêm khắc đối với các đối tượng học sinh chây lười, không cố gắng.
Thứ tư: Nhóm bộ môn cần tiếp tục xây dựng ngân hàng đề trắc nghiệm để làm tư liệu giảng dạy, học tập cho giáo viên, học sinh theo bốn mức độ tư duy: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Để có ngân hàng đề đa dạng và phong phú, giáo viên cần tham khảo từ các nguồn như: sách báo, thư viện đề thi, các trang web phổ biến; thiết lập ma trận đề theo cấu trúc đề thi với các mức độ tư duy theo yêu cầu của Bộ Giáo dục, dựa vào bộ đề ra các bộ đề mẫu.
Thứ năm: Trong quá trình dạy - học cần làm tốt công tác tư vấn vừa giúp các em nhận thức rõ về những đổi mới của kỳ thi THPTQG vừa giúp các em chọn bài thi tổ hợp phù hợp với năng lực, sở trường của mình (tránh hiện tượng lựa chọn theo phong trào, bạn bè…); phân tích tác hại của các trò chơi vô bổ ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe và học tập để các em chủ động tránh xa; tư vấn, hướng dẫn các em cách học vì có nhiều em đợi “nước đến chân mới nhảy” học tập tùy hứng không có kế hoạch. Điều thiết thực là giáo viên cần nhẹ nhàng, gần gũi, từ tốn làm chủ cảm xúc để tránh căng thẳng, nổi nóng, quát tháo học sinh đặc biệt trong thời gian ôn thi (vì lúc này giáo viên nóng lòng, sốt ruột chạy đua với lượng kiến thức cần ôn, thời gian còn quá ít mà kiến thức các em quên thì nhiều). Với thời điểm nhạy cảm này việc khích lệ, động viên tinh thần, ý thức học tập là cần thiết vì các em cũng chịu một sức ép lớn về lịch học quá nhiều, áp lực do các môn học trên lớp, kì thi... Trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, phối kết hợp với gia đình, Hội đồng sư phạm nhà trường cũng là biện pháp cần quan tâm.
Nguồn tin: Phan Thị Ngọc Linh